Đồng Xanh Thơ Sài Gònhttp://dongxanhthosaigon.com/uploads/lo.png
Thứ bảy - 15/07/2023 06:50
ĐỒNG XANH THƠ SÀI GÒN SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ THÁNG 7/2023.
Đề Tài: THI CA CÔNG GIÁO TRONG HỘI NHẬP VĂN HÓA
“THI CA & SỨ VỤ 2023”
Một sinh hoạt chuyên đề đầy thách thức và hứa hẹn cho thi ca Công Giáo trong sự hội nhập văn hóa
Sáng ngày 8/7/2023, nhận lời mời của Ban Điều Hành Đồng Xanh Thơ (ĐXT), tôi đã có mặt tại Phòng họp lầu 2, Nhà truyền Thống Trung Tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn để dự buổi sinh hoạt chuyên đề “THI CA CÔNG GIÁO TRONG HỘI NHẬP VĂN HÓA”. Được biết đây là chuyên đề đầu tiên trong 5 chuyên đề sẽ được khai triển từ tháng 7 cho đến tháng 12 năm nay, với từng tháng là một chuyên đề độc lập nhưng mang tính liên hoàn cùng phục vụ cho chủ đề chung là ‘THI CA VÀ SỨ VỤ”.
Sau phần giới thiệu của anh Duy Tuyên, cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc- linh mục Tâm Giao Ngài là vị linh hướng của ĐXT đồng thời cũng là Giám Đốc Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn tuyên bố khai mạc.
Phần chuyên đề được anh An Thiện Minh, trưởng ban điều hành ĐXT chia sẻ qua đề tài “VẺ ĐẸP CỦA THI CA CÔNG GIÁO TRÊN THI ĐÀN VĂN CHƯƠNG DÂN TỘC”. Đề tài này thực sự thu hút các tham dự viên về dự chuyên đề hôm nay. Với lối trình bày bốc lửa diễn giải rõ ràng, vừa thuyết phục lại vừa bài bản, anh An Thiện Minh đã so sánh điểm giống và khác giữa thơ đời và thơ Đạo dựa trên những tiêu chí như độ cảm (tính trữ tình), độ mỹ (tính đẹp trong nghệ thuật), độ lắng (sự cô đọng đầy tính nghệ thuật và nhân văn trong ý và tình), cả ba đều thể hiện tính chung nhất của thơ Đạo lẫn thơ đời. Nhưng chiều khác biệt là ở chỗ thơ Đạo còn có độ sâu (sự tinh tế của chiều sâu nội tâm và tâm linh), độ khiết (ý tưởng thanh sáng, hướng thiện; ngôn từ thuần khiết, chắt chiu từ trải nghiệm chiều sâu nội tâm) và độ thánh (nhịp rung và trải nghiệm tâm linh trong sự tinh khiết, hướng thượng và đầy tâm tình tôn giáo). Đối với thơ Đạo, anh còn nêu ra những nét phân loại tổng quát về thi ca Công Giáo (CG): thi ca CG trong phụng vụ (thánh vịnh, thánh thi, thơ kinh nguyện, thơ trong thánh nhạc), thi ca CG trong cuộc sống (Phúc Âm diễn ca, thơ huấn giáo, thơ cầu nguyện, thơ sống đạo) và thi ca CG trong văn chương (thơ nhân văn Kitô giáo, thơ minh triết nhân sinh, thơ sống đạo, thơ trải nghiệm tâm linh, thơ cảm nghiệm nhiệm hiệp).
Không những thế, An Thiện Minh còn đưa ra những cứ liệu khá dồi dào về thơ đạo và đời, dẫn cả người trong lẫn ngoài Công Giáo để minh chứng, bình giải cho những điều anh đang phân tích và tâm đắc. Dù tôi chưa phải là người ham thơ, thích thơ nhưng nghe anh nói cũng thấy thi ca có gì đấy rất đẹp, rất lạ và hấp dẫn nữa! Điểm kết của bài thuyết trình là các điều kiện để trở thành một thi sĩ CG. Xem ra với tôi, đây là điểm khó nhằn cho một bài nói có nội hàm phong phú song chỉ được trình bày trong một thời lượng có giới hạn, vì sau đó còn nhường bớt thời gian cho các diễn giả khác nữa! Câu hỏi diễn giả An Thiện Minh đặt ra cho cử tọa chúng tôi là: những điều kiện để làm thơ đạo là gì? Theo tôi, nếu đề ra những điều kiện để làm thơ đạo thì chẳng khác nào như trói cẳng gà, cột cánh vịt rồi bắt chúng phải tự biết nhảy, biết bay! May thay, diễn giả đã lách khỏi tình huống khó xử này bằng cách mượn lại quan điểm của Thomas Merton, một đan sĩ dòng Trappe, một nhà văn, một nhà thần bí CG để chỉ rõ hai điều kiện cơ bản để làm thơ đạo: đó là khát vọng NÊN THÁNH và đời sống CHIÊM NIỆM của người dệt thơ đạo.
Cũng như An Thiện Minh, tôi rất thích cụm từ “ơn gọi dệt thơ đạo” đối với những ai chăm chuốt cho nghệ thuật thi ca CG. Họ không chỉ là làm thơ, sáng tác thơ như những người làm thơ đời. Họ đích thụ là nghệ nhân trong việc chau chuốt thơ như người thợ dệt tinh tế và cẩn thận trên từng đường dệt. Hơn thế nữa, người dệt thơ đạo khởi đi từ trong chính trải nghiệm tâm linh, từ trực giác tiên tri, thẩm thấu các ý nghĩa bên trong của đối tượng mà người ấy chiêm ngưỡng để làm nên một dấu chỉ về Thiên Chúa (chữ dùng của T. Merton) trong tác phẩm của mình, cho ra những thi ca Kitô giáo xứng đáng với sứ vụ này.
Tiếp theo, là phần trình bày của thầy Hoàng Văn Tuyên với đề tài “HỘI NHẬP VĂN HÓA CÔNG GIÁO VÀO VIỆT NAM”. Đây là đề tài phong phú không kém như đề tài trước nhưng được diễn giả lược ngắn lại với luận điểm dùng hình ảnh của nước diễn tả sự hội nhập: đem đạo vào đời như nước có đặc tính lưu chuyển nhẹ nhàng, hòa văn hóa của Kitô giáo vào với văn hóa cộng đồng, sao cho người ta chấp nhận Tin Mừng một cách tự do, tự nguyện, không miễn cưỡng bằng chính ngôn ngữ - văn hóa Việt Nam để từ đó yêu mến, tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương mọi người. Diễn giả còn nêu dẫn chứng về thơ ca Hàn Mặc Tử, người đã sớm biết khai thác dữ liệu từ Kinh thánh và những kinh nguyện của CG để làm thơ, sáng tác những tác phẩm đạo rất có giá trị. Cũng theo ý diễn giả hội nhập văn hóa bằng thơ và nhạc là cách truyền thông tốt đẹp, gần gũi với quần chúng, thu hút lòng người hơn cả. Vì thế, thơ ca CG tuy có loại bác học và loại bình dân, nhưng cần chú trọng đến loại sau để việc hội nhập văn hóa Công giáo vào Việt Nam nhiều thuận lợi hơn.
*******
Đề tài được khai triển cuối cùng có cái tên nghe rất lạ: “GÓC 001/360(*) ĐỘ VỀ THI CA CÔNG GIÁO VÀO VĂN HÓA VIỆT NAM”. Đề tài do linh mục JB Trần Kim Tuyến phụ trách. Cha là Trưởng ban Văn hóa giáo phận Long Xuyên, đồng thời đương nhiệm chánh xứ giáo họ Thánh Tâm Long Xuyên. Giải thích đề tài của mình, vị diễn giả linh mục này cho biết ngài vốn yêu thích chụp ảnh và hội họa nên dùng thuật ngữ nhiếp ảnh để ---(*)001/360 độ là chọn một góc nhìn nhỏ trong toàn cảnh, trong khi chụp ảnh Panorama là cách chụp toàn cảnh không gian dưới một góc rộng bất kì nào với góc chụp tới 360 độ.
Ví von việc hội nhập văn hóa vào Việt Nam theo cách ứng xử văn hóa vùng miền với ba khuôn mặt linh mục tiền bối mà ngài đã quen biết và học hỏi từ họ trong việc gieo Tin Mừng trên miền đất sông nước Nam Bộ: đưa loại hình ca nhạc, sân khấu dân gian… vào việc diễn tả giáo lý, phụng tự Kitô giáo theo yêu cầu thực tế. Nhờ thế đạo CG mới có sức lôi cuốn và thuyết phục hơn trong việc sống đạo, cử hành đạo giữa đời thường của đông đảo bà con giáo dân sống trên các kênh rạch, ruộng đồng của miền nam nước ta hiện nay.
*******
Một phần không kém quan trọng khác trong buổi sinh hoạt chuyên đề này, đó là chia sẻ cảm nhận từ các tham dự viên. Nổi bật nhất là sự chia sẻ và góp ý của linh mục đồng hành Phêrô Đỗ Khắc Minh Khoa, phó xứ Chợ Quán. Cha cho biết những buổi sinh hoạt chuyên đề của ĐXT nên được quảng bá trên phương tiện truyền thông Internet để mọi người đều hay biết, thu hút được giới trẻ đến với chương trình này, tạo thêm khối người thưởng thức và tham gia sáng tác thi ca CG theo đường hướng hội nhập. Riêng cha, cha cũng có những trăn trở về hoạt động văn hóa nghệ thuật dành cho giới linh mục, tu sĩ hướng ra bên ngoài còn bị bó hẹp, nghi kỵ; giáo hội Công Giáo Việt Nam dường như dậm chân tại chỗ, chưa có đường hướng, lối đi cho văn chương CGVN rõ ràng, linh hoạt và cụ thể.
*******
Xen vào tâm tình chia sẻ của các tham dự viên và trước khi kết thúc là tiếng lòng của ĐXT, được diễn tả qua giọng ngâm của chị Tiếng Vọng, chị Hồng Xuyến và tiếng hát của chị Phạm Hằng, thêm Cụ Hương Quê, nguyên chủ nhiệm ĐXT cũng đã đọc thơ chúc mừng. Sau đó cha Tâm Giao đúc kết và cầu nguyện kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề.
*******
Tất cả là hồng ân. Trong năm 2023, Đồng Xanh Thơ vẫn còn 4 chuyên đề nữa sẽ được triển khai trong từng tháng sắp tới. Nếu hôm nay bạn có lỡ một đề tài vì lý do gì đó hoặc bởi chưa biết thì đừng quên địa chỉ sắp tới – điểm hẹn của những người được Chúa kêu mời với “ơn gọi dệt thơ đạo”: TRUNG T M MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN 6 bis Tôn Đức Thắng Quận 1. Hẹn gặp lại nhau nhé!