CAO VĨNH PHAN
Tên thật: Gioan Baotixita Têrêxa CAO VĨNH PHAN – Sinh và lãnh bí tích Thánh tẩy năm1924 tại Gia Hưng, Quảng Bình.
Thụ phong linh mục 31-05-1963 – Phụ trách các giáo xứ Hiệp Nghĩa (Hàm Tân, 1964), Vinh Tân (La Gi, 1972), Thánh Mẫu (Phan thiết, 1975), Mũi Né (Bình Thuận, 1992) Hưu dưỡng tại Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Chí Hòa Tổng Giáo Phận Sài Gòn từ 1993 – Tháng 8 năm 2009 chuyển về Nhà Hưu Dưỡng Giáo phận Phan Thiết.188 Qua đời ngày 05-03-2011.
Tác phẩm: – Tinh hoa kỷ yếu – Tiếng đồng vọng - Trường ca dân Chúa (thơ) – Lịch sử Giáo Phận Vinh 12 tác phẩm khác đã xuất bản và 25 tập sách và bài chưa xuất bản.
ÂM THẦM VÀ TẬN TỤY
Lm. Phêrô Đan Minh TRẦN MINH CÔNG
Đan viện Frauenthal, Thụy Sĩ
Từ nay cha không còn ở với chúng con nữa, nhưng lời nói và những điều cha đã viết, nhất là gương lành của cha để lại cho chúng con như một gia tài quí báu. “Trong cả cuộc đời
linh mục 30 năm, cha không “xây” gì và cũng không “cất” gì – như một đôi lần cha tâm sự – nhưng cha muốn chúng con trở thành những đền thờ của Thiên Chúa”. Cha không muốn phô trương rầm rộ bên ngoài, nhưng sống âm thầm và tận tụy làm việc. Bởi vì như cha nói: “Đời tôi tâm niệm giá trị đích thực của người linh mục là ở chỗ làm việc và sự làm việc đó có đẹp lòng Chúa hay không. Vinh vang bên ngoài chỉ là lớp sơn mỏng, nếu bên trong không đẹp lòng Chúa là điều vô ích. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” (tr. 21). “Âm thầm tự thánh hóa, âm thầm nhiệt tâm làm việc bổn phận hằng ngày”, đó là lý tưởng cha hằng theo đuổi và muốn nhắn nhủ chúng con. “Hãy tìm việc hữu ích lớn nhỏ mà làm! Không làm được mười như người ta, ít ra làm ba-bốn-năm. Đừng lười biếng uổng thời giờ Chúa ban!” Lời khuyên ấy cha đã nói với chúng con nhiều lần và cha cũng đã viết trong “Những dòng lưu niệm cuối đời” như những lời trối của cha. Vâng, thưa Cha! Chúa cho bao nhiêu nén bạc thì phải dùng bấy nhiêu để sinh lợi. Không phải mỗi đứa con của cha đều có khiếu làm thơ, có tài sáng tác nhạc và có khả năng viết sách như cha. Nhưng mỗi người chúng con, tùy theo ân huệ Chúa ban, cũng đã bắt chước cha được một vài điểm nào đó. Chúng con cố gắng bắt chước cha siêng năng làm việc trong âm thầm và trung thành sống ơn gọi của mình. Những tác phẩm mà cha đã viết và để lại cho hậu thế là những bằng chứng nhắc nhủ chúng con về sự tận tụy làm việc và ý chí cầu tiến học hỏi. Chúng con biết mình sinh ra dưới một “ngôi sao xấu”, không được may mắn như những người khác. Họ sinh ra trong gia đình phú quí giàu sang, có đủ phương tiện và điều kiện học hỏi. Vì thế chúng con phải cố gắng hơn họ để vớt vát những thiếu sót, để lấp đầy những lỗ hổng của đệnh mệnh, để xây đắp cho mình một tương lai không đến nỗi thua kém người. Nếu hôm nay chúng con được cái gì không đến nỗi thua kém người hay ít ra cũng bằng kẻ khác, đó là nhờ sự hướng dẫn và bài học sống động của cuộc đời Cha. Dĩ nhiên tất cả là hồng ân của Thiên Chúa, Đấng thường hạ bệ những người kiêu ngạo và tuyển chọn những kẻ nghèo nàn hèn mọn để tỏ ra uy quyền và tình thương của Người (2Cr 1,26-29).
Chúng con biết ơn Cha và cám ơn Chúa đã để lại cho chúng con một gương sáng trong cách sống, một khích lệ trong đường lối làm việc. Thật vậy, mặc dù bị bệnh hở van tim, bị mù lòa phải sống tại Viện Dưỡng Lão Chí Hòa từ tháng 7 năm 1993, Cha chấp nhận bệnh tật với lòng tin yêu phó thác, cha không ngừng nghiên cứu viết lách. Chính đức tin đã giúp cha đủ nghị lực sống hồn nhiên và ý chí sắt đá khiến cha thực hiện được những việc mà những người khỏe mạnh và sáng mắt chưa chắc có thể làm được. Những ai đọc các sách vở và các bài nghiên cứu mà Cha đã viết từ năm 1993 đến năm 2000 đều công nhận như vậy. Vâng theo ý muốn của Đấng Bản Quyền ngày 7 tháng 8 năm 2009 Cha từ giã Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Chí Hòa để về Nhà Hưu Dưỡng Giáo phận Phan Thiết. Từ hai năm nay sức khỏe Cha suy yếu, tuy nhiên Cha vẫn tiếp tục đọc sách và viết lách. Điều đó làm nhiều người kính phục. (Trích bài “Vĩnh Biệt Linh Mục J.B. Cao Vĩnh Phan”)