CÁT ĐEN
Tên thật : Gioakim Nguyễn Đức Quang
Sinh ngày 28-6-1970 tại giáo xứ Ghềnh áng, giáo phận Qui Nhơn.
Sau năm 1975 theo cha mẹ về quê tại giáo họ Đại An thuộc giáo xứ Phù Cát, giáo phận Qui Nhơn.
Năm 1995 vào Chủng Viện Sao Biển Nha Trang.
Ngày 01 tháng 5 năm 2003 thụ phong linh mục
Hiện là linh mục chính xứ giáo xứ Vườn Vông, giáo phận Qui Nhơn
Email : quangjoachim@gmail.com
ĐT: 0989-636-995
KHỞI NGUỒN THI CA
Ai cũng có một tuổi thơ: tuổi được yêu thương và dưỡng dục.
Tôi cũng thuộc mẫu số chung ấy là được may mắn lớn lên trong một gia đình Công giáo có lời cha nghiêm khắc dạy dỗ và có lời mẹ ru ầu ơ mỗi trưa. Những lời ru ấy không chỉ đưa tôi vào những giấc ngủ êm đềm, mà còn cho tôi cảm nhận tình quê hương da diết và dạy tôi biết quý ơn sinh thành, trọng ơn dưỡng dục của mẹ cha.
Bên cạnh sự lớn lên từng ngày về thể chất, tôi còn được gia đình nuôi dưỡng tâm hồn. Ngoài lời ru của mẹ giúp tôi biết yêu cuộc sống và yêu quê hương, Lời Chúa chính là ánh sáng giúp hạt giống Đức Tin của tôi nảy mầm và phát triển từ những ngày thơ bé. Người đã thay Chúa chăm sóc hạt giống Đức Tin của thuở đầu đời ấy chính là Ông ngoại. Tuy Ông ở xa và thời đó phương tiện đi lại còn khó khăn nhưng Ông vẫn thường đến thăm con cháu vào những dịp rảnh rỗi và lần nào cũng vậy, Ông luôn kể cho tôi nghe những câu chuyện Kinh Thánh rất hay.
Cứ sau bữa cơm tối, Ông thường gọi tôi lên nhà trên, cho tôi lên võng ngồi cùng để nghe Ông kể chuyện, chính vì vậy tiếng võng đưa kẽo kẹt đã trở thành một phần tuổi thơ tôi. Tôi rất ngưỡng mộ trí nhớ của Ông. Ông nhớ rất nhiều: Từ chuyện Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, rồi chuyện Ông Môsê vâng lệnh Thiên Chúa cứu dân Ngài khỏi Ai Cập, chuyện Chúa Giêsu sinh ra ở hang Bêlem đến chuyện Ngài chịu chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại… Nhờ những câu chuyện Ông kể mà tôi biết lịch sử cứu độ của Thiên Chúa.
“Hữu tri tất mộ”, nhờ biết Kinh Thánh mà lòng mộ mến Chúa âm thầm lớn lên trong tôi như men trong bột, êm đềm như lời ru ầu ơ của mẹ. Rồi năm tháng cứ trôi qua, trái tim tôi thao thức: làm thế nào để lời Chúa đến với trái tim mọi người bình dị như lời ru của mẹ, mộc mạc như lối kể chuyện của Ông nhưng lại ăn sâu vào từng nhịp tim, hơi thở và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi con người? Có lẽ đó cũng là sự manh nha giúp tôi đến với thi ca sau này.
Hàn Mạc Tử có viết “Thi sĩ là những bông hoa quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mệnh rất thiêng liêng”. Nếu “Thi sĩ là những bông hoa quý và rất hiếm” thì thơ chắc chắn phải là hương của hoa. Suy rộng ra thơ chính là tinh túy, là tâm hồn của con người, là cái đẹp của cái đẹp. Chính vì vậy sáng tác thơ không chỉ là sáng tạo nên cái đẹp, mà là thể hiện cái đẹp nơi chính nhà thơ. Vì vậy, nếu muốn thơ hay bắt buộc tâm hồn thi sĩ phải đẹp, điều này đòi buộc họ phải tự hoàn thiện bản thân.
Thế nhưng khi tôi dần hoàn thiện mình thì tôi nhận ra cái đẹp ấy cũng chỉ là cái đẹp của cá nhân, cái đẹp xuất phát từ con người. Tự thâm sâu, tôi luôn khao khát tìm kiếm một cái đẹp thực sự, trội vượt trên cái đẹp bình thường ấy. Lúc đó vô tình những câu chuyện kể ngày nào của Ông lại hiện về và giúp tôi nhận ra, không có cái đẹp nào bằng Thiên Chúa, chỉ trong Ngài con người mới tìm và gặp được cái đẹp hoàn mỹ, vì chính Ngài là Chân, Thiện, Mỹ. Phải chăng đây là ơn Chúa Thánh Thần tác động để hướng dẫn tôi tìm về cội nguồn thi ca Công giáo.
Như loài ong làm mật yêu những đóa hoa, tôi làm thơ nên tôi yêu Thiên Chúa. Thế nhưng, tôi không đơn thuần tìm kiếm Thiên Chúa trong thơ nhưng tìm kiếm thơ trong Thiên Chúa. Càng đi sâu vào cuộc tìm kiếm ấy tôi càng đào sâu Lời Chúa và không biết từ lúc nào, Thiên Chúa đã chiếm hữu tâm trí tôi. Và tôi nhận ra, sứ mệnh của thi sĩ là dùng thơ cấy Lời Chúa vào đời. Mặt khác, thơ chính là con người của thi sĩ, cho nên muốn có vần thơ đẹp, thi sĩ cần tâm niệm lời Thầy Giêsu dạy : “Anh em hãy nên hoàn thiện”. Chỉ có cách ấy thì thơ mới trở thành khí cụ Thiên Chúa dùng để đưa con người tìm về cùng đích của mọi cái đẹp là chính Ngài – Đấng Chân, Thiện, Mỹ.
Lm CÁT ĐEN