HƯƠNG KINH

HƯƠNG KINH

HƯƠNG KINH
 Tên thật: Đaminh Trần Ngọc Đăng - Các bút danh khác: Hương Kinh Trà Lũ, Dominic Trần - Sinh và lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy năm 1973, tại làng Trà Lũ, nay là giáo xứ Phú Nhai (Bùi Chu), xã Xuân Phương, Xuân Trường, Nam Định - Hiện phục vụ tại Đại Chủng Viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu (Nam Định).
 Du học tại Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana Rôma (2003-2007) - Thụ phong linh mục ngày 05-03-2005.
Email: domtrandang@gmail.com
KỂ VỀ “KỂ”
 Bạn thân mến,
 Cách đây không lâu, một người bạn tặng cho mình một cuốn sách nhỏ với tựa đề Hãy kể tôi nghe về Thiên Chúa của bạn [Raccontami il tuo Dio]. Rồi mới đây Đại Hội Truyền Giáo Á Châu đầu tiên đã được tổ chức tại thành phố Chiang Mai, Thái Lan (18-22 tháng 10, 2006) với hơn 1000 đại biểu từ 20 quốc gia Á Châu về tham dự cũng chọn chủ đề “kể”: “Kể lại câu chuyện Chúa Giêsu tại Á-Châu”. Giờ đây, ngồi lại bên nhau, mình cũng muốn kể với bạn về “kể”, kể về đức tin, những cảm nghiệm đức tin …
  Sao không là rao giảng, loan báo, truyền dạy, thuyết pháp… mà lại là “kể”? “Kể” nghe có vẻ xuềnh xoàng thô sơ quá, mộc mạc dân dã quá… Và như thế, “kể” xem ra dễ dàng quá, ai làm mà chả được. Nhưng, những điều tưởng chừng như đơn giản đó không hẳn là luôn luôn giản đơn. “Kể” giản dị vì không cần ghi chú, thư mục, không cần trích dẫn, biện luận, chứng minh, rào đón… nhưng “kể” cũng rất “gian nan”, vì có ai có thể cho điều mình không có bao giờ. Cũng có điều không đáng kể, nhưng thường tình chẳng ai lại đi kể những điều không có gì đáng kể bao giờ. “Kể” là kể những gì mình tâm đắc, thao thức, trải nghiệm…
“Kể” là trải lòng mình và chia san những cảm thức về cuộc sống, đức tin, ơn gọi... Chính vì dung dị, hồn nhiên, gần gũi, không cầu kỳ hay gượng gạo, trau truốt như thế mà “kể” rất đi vào lòng người, rất dễ thương, rất rung cảm, rất phù hợp với tâm hồn con người hôm nay, nhất là những con người tại Á Châu.
 Thú thực mình cũng ngại kể, vì biết kể gì? Cuộc sống học đường có lẽ đã làm cho mình quen với văn phong bình giảng, chữ nghĩa, hơn là chia sẻ, tâm tình. Ngôn ngữ “kể” xem ra cứ như mai một, được nói là lại nhiễm cái tật nói cái mình “biết”, hơn là nói điều mình “sống”. Mình suy nghĩ và cuối cùng mình lại xin được kể về chính “kể”, vì đức tin và ơn gọi của mình được gieo vãi, nảy mầm và lớn dậy phần nhiều là nhờ nghe kể. Mình sinh ra trong một gia đình “đạo gốc”, “đạo dòng” đã từ thời những hạt giống Tin Mừng lần đầu tiên được gieo vãi vào Việt Nam (Trà Lũ, 1533). Cuộc sống thời chiến tranh, cấm cách, có gì ngoài “kể”. Thế hệ trước kể cho thế hệ sau, ông bà kể cho cháu chắt, cha mẹ kể cho con cái, anh chị kể cho em út, bạn bè kể cho nhau nghe…
Kể trong gia đình, kể trong xứ họ, kể nơi trường học, công sở, chợ búa, đồng nương… Kể khi đi đường, khi hội họp, khi đình đám, khi trà đàm, văn xướng, thi hoạ, khi đi nhà thờ nhà thánh, khi chầu Thánh Thể, khi ăn uống, nghỉ ngơi… Kể trong sân nhà dưới ánh trăng, kể trong đêm khuya khi mưa tí tách, khi đom đóm lập loè, kể bên gốc đa sân đình khi tránh nắng, trú mưa sau những giờ mệt nhọc… Kể về Chúa Giêsu, Mẹ Maria, truyện tích các Thánh, các vị Tiền Nhân anh hùng đức tin, kể về “Trời có mắt”, “Trời thương dân”, “ơn Trời mưa nắng phải thì”, “ở hiền gặp lành”, “lá lành đùm lá rách”…
 Những giọt Đức Tin cứ thế tí tách rơi, thấm vào hồn, vào da vào thịt. Đức tin dung dị quá, bình dân quá, mà thấm thía ngọt ngào như lời mẹ ru à ơi tuổi ấu thơ, râm ran như lời kinh gia đình sáng tối, thơm tho như hương xoan khi lễ ra mùa, mạnh mẽ như tiếng trống kèn vang dội, thâm trầm như cung điệu bài Ngũ cung dâng hoa, ngắm mười lăm sự thương khó, dâng hạt kính Đức Bà, phép ngắm Rosa… Cứ những lúc mình thấy khô khan, nguội lạnh hay chán nản, mình thường dở một tấm hình, xem một đoạn băng về quê hương, nhâm nhi một điệu hát bài ca, ngâm nga một câu kinh quen thuộc… mình thấy đức tin như sống lại, tươi mới lạ thường, như thể được trở về nguồn, được tắm gội, bổ dưỡng; bước đăng trình lại phấn khởi, tươi vui. Mình thấy lạ lùng lắm, không nói ra được, nhưng hình như vốn liếng, gốc rễ và “linh hồn” của mình ở đó. Nhìn thấy một cụ già móm mém lần hạt, một em bé tay chắp gối quỳ, một bác thợ cày, một cô thợ cấy đến giờ lễ hối hả bỏ đồng lúa về nhà, mình thấy Đức Tin trong đó, đơn sơ, hồn nhiên, mộ mến, chân thành.
 Nếu bạn hỏi Chúa Giêsu là ai đối với mình? Câu trả lời của mình xin được dung dị có thế. Ngài là lời kể đã nhập thể vào hồn quê hương xứ sở mình. Đối với mình, Ngài thật gần gũi, như Người Bạn tâm giao, sẻ chia cuộc sống. Mình thấy dung mạo Ngài thấp thoáng trên muôn ngàn khuôn mặt, trên những tháp nhà thờ nghiêng bóng hoàng hôn và những mái cong đình chùa cổ kính thâm nghiêm. Mình nghe thấy tiếng Ngài qua tiếng kinh thâm trầm, tiếng lúa xào xạc, tiếng chuông đền thánh, tiếng mõ nhà chùa, tiếng mẹ ru con, tiếng trẻ học bài, tiếng sáo du dương… Ngài là Bạn của mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những người mồ côi gúa bụa, bị bỏ rơi, bị áp bức, bị gạt ra bên lề xã hội… Ngài là yêu thương, trìu mến cả những người chưa tin nhận Ngài, những người chống đối hay thù ghét Ngài. Mình thấy Ngài đang sống, đang hiện diện, đang ở bên mình. Ngài yêu thương mình và dạy mình biết yêu thương bạn, yêu thương mọi người. Ngài cũng muốn yêu thương bạn, muốn gần gũi bạn và muốn bạn đến với Ngài, để được Ngài yêu thương, cứu độ.
Ngài quả là Thiên Tử giáng trần, Thiên Chúa thật gần, ngay bên, đồng hành, chia sẻ.
 Linh mục thừa sai Léopold Cadière trong tác phẩm “Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt” (Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens) từng nói rằng không có nền triết học Việt Nam nếu hiểu triết học như một hệ thống tư tưởng, một ý thức luận, một chủ thuyết, nhưng tại Việt Nam đã tồn tại một nền triết học dân gian (philoso-phi populaire). Có lẽ Việt Nam cũng chưa có một nền thần học theo nghĩa chuyên môn, nhưng đã hiện diện rồi đó một nền thần học bình dân, thâm trầm, sâu lắng mà sống động lạ thường. Một nền thần học viết bằng ngôn ngữ của kinh, thơ, nhạc, hoạ… bằng lời chứng âm thầm của cuộc sống. Một nền thần học dùng phương pháp “kể”…
HƯƠNG KINH

 

LỜI TÌNH TỰ ​​​​​​​

  •   11/08/2021 04:12:00 AM
  •   Đã xem: 419
  •   Phản hồi: 0

CHIỀU EMMAUS ​​​​​​​

  •   11/08/2021 04:10:00 AM
  •   Đã xem: 402
  •   Phản hồi: 0

MẸ BẢY SỰ - MẸ SẦU BI ​​​​​​​

  •   11/08/2021 04:05:00 AM
  •   Đã xem: 960
  •   Phản hồi: 0
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây