LÊ HỒNG BẢO

LÊ HỒNG BẢO
 
Tên thật: Piô X Lê Hồng Bảo
Sinh ngày: 21/03/1962
Tại: Quy Nhơn, Bình Định.
Nguyên quán: Trà Kiệu – Quảng Nam.
Hiện ở tại: Giáo xứ Song Mỹ, Giáo hạt Ninh Sơn – Ninh Thuận.
Thuộc: Giáo phận Nha Trang.
Tu học tại Tiểu Chủng Viện Sao Biển Nha Trang năm 1972. Hiện đang cộng tác với Cha Trăng Thập Tự trong các chương trình phát huy Văn Học Công Giáo, cộng tác với Chương Trình Chuyên Đề thuộc Ban Mục vụ Gia đình – TGP. Sài Gòn, tham gia bài vở trên các trang mạng Công Giáo…
Email: lehongbao@gmail.com
ĐT: 0918-674-437
TỪ BỎ VÀ BÌNH AN 
Tôi làm thơ không nhiều và cũng không hay.
Chỉ là những tự khúc dâng trào khi tâm sự đầy ắp.
Thơ đến với tôi như một hồng ân trong chuỗi hồng ân bất tận của Thiên Chúa. Khi làm thơ hay viết văn, ai cũng thấy lắm khi phải can đảm từ bỏ. Mọi chi tiết không phục vụ đề tài, dù hay dù đẹp đến đâu cũng phải gạt bỏ, nếu không nó sẽ gây lạc đề lúc nào không hay. Chút kinh nghiệm ấy khi cầm bút dạy tôi từ bỏ trong cuộc sống. 
Cũng băn khoăn, do dự, nhát đảm, hay hờn, hay chán… Nhưng tôi luôn tin rằng Chúa đang mời gọi tôi cộng tác với Người. Tôi đã từng trải qua nhiều nghề: Từ bán cà rem, đạp xích lô, cưa liếu, nấu đường, nấu rượu, vấn thuốc… cho đến giáo viên Anh văn, phó giám đốc điều hành công ty xuất khẩu thực phẩm, thiết kế đồ hoạ, chụp hình, quay phim…
Hầu hết những nghề tôi không tiếp tục là do tôi bỏ nghề chứ nghề không bỏ tôi. Có người nói tôi thiếu nhẫn nại và chịu đựng. Cũng có thể đúng, nhưng có một điều tôi biết chắc, đó là Chúa ban cho tôi ơn biết từ bỏ, mặc dù nhiều khi từ bỏ cũng chẳng để được điều gì hơn. Tôi cũng từng theo đuổi những ảo ảnh phù du như nhiều người, nhưng tạ ơn Chúa, mỗi lần cảm thấy bất ổn trong Đức Tin và tâm hồn, tôi lại từ bỏ. Mặc dù khi từ bỏ tôi không hề có “kế hoạch B”. Lắm lúc, tôi thấy mình như một đứa con biếng nhác của Chúa, vì mỗi lần từ bỏ như thế, tôi lại khoán trắng” cho Chúa… lo liệu. Vậy mà, Chúa vẫn dành sẵn cho tôi những điều to lớn hơn sau mỗi lần tôi từ bỏ. Tóm lại, những thứ mà tôi làm được hoặc có được ngày hôm nay chưa từng có trong “kế hoạch đời” của tôi, mà chính là phần thưởng Chúa sắp sẵn cho tôi tự bao giờ.  Với chút năng lực nhỏ nhoi của mình, tôi tự biết mình không hề xứng đáng với những ơn lành lớn lao của Chúa nhất là khi những ơn ấy kèm theo những trách vụ nặng nề, nhưng bắt chước Mẹ Maria tôi liều đáp: “Xin vâng!” Chúa tự có cách làm của Người và tôi chỉ là công cụ. Đối với tôi, lời thơ đẹp nhất chính là Kinh Magnificat:
Chúa đã làm cho tôi những điều kỳ diệu…” Tôi chỉ là cục đất sét thô ráp trong tay người thợ gốm tài hoa Thiên Chúa. Tôi chỉ cần thả lỏng cho Người nhào nặn tôi để trở thành tuyệt phẩm. Một chút kháng cự nhỏ của tôi cũng đủ để khiến tác phẩm trở nên dị dạng, kỳ quặc…
Bài học thứ hai tôi học được khi cầm bút là sự thinh lặng.
Bẩm sinh tôi là một kẻ hay nói, lúc nào cũng có chuyện để nói. Tiếng Pháp gọi là bavard. Tiếng Việt phiên âm là ba-hoa. Chắc chắn không ai cho rằng ba-hoa là một nhân đức! Cũng chẳng có ai khâm phục hay tán thưởng một kẻ ba-hoa. Ba tôi và anh tôi đều điềm đạm và ít nói. Tôi rất khâm phục đức tính này nên gọi đó là nhân đức Thinh Lặng. Chúa không ban cho tôi nhân đức này như đã ban cho tôi Ơn biết từ bỏ. Vì vậy tôi cố gắng từng ngày để học nhân đức này. Muốn tập nhân đức Thinh lặng thì chỉ có một cách: Vào Nhà Thờ. Ở nhà thì thế nào chẳng gặp người này người nọ. Mình không chủ động nói nhưng họ hỏi mình phải trả lời. Khốn nỗi, tôi thường trả lời bằng một bài… diễn văn chẳng ra đầu cua tai nheo gì!
Từ đó, tôi tập thói quen ngồi hàng giờ trước Thánh Thể. Chẳng cầu nguyện gì, chỉ thinh lặng, thế thôi! Rồi dần dần tôi nghe được những lời thầm thì tuy chưa rõ nghĩa nhưng cũng đủ giúp tôi nhận ra những bất trắc trong cuộc đời tôi đang sống. Những bất trắc theo ý nghĩa Tin Mừng. 
Một nhà thám hiểm nọ bị lạc giữa sa mạc. Đi từ đụn cát này đến cồn cát nọ, nhìn hết hướng này sang hướng kia, nơi đâu ông cũng thấy toàn là cát với cát. Lê gót trong tuyệt vọng, thình lình chân ông vấp phải một gốc cây khô. Ông vấp ngã và nằm vùi bên gốc cây. Ông không còn đủ sức để đứng lên, ông không còn đủ sức để chiến đấu và cũng không còn một chút hy vọng sống sót nào. Trong tư thế bất động ấy, nhà thám hiểm bỗng ý thức được sự thinh lặng của sa mạc. Bốn bề chỉ có thinh lặng. Thình lình ông ngẩng đầu lên. Trong sự thinh lặng tuyệt đối của sa mạc, ông bỗng nghe như có tiếng rì rầm vọng lại bên tai. Tập trung chú ý, nhà thám hiểm mới nhận ra đó là tiếng róc rách chảy của một dòng suối đâu đó vọng lại. Như được hồi sinh, ông định hướng nơi xuất phát của tiếng suối. rồi dùng chút sức lực còn sót lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi tìm được dòng suối…
Thì ra bấy lâu nay tôi cũng lặn lội trong sa mạc cuộc đời y như nhà thám hiểm nọ:
- Mãi lo định hướng Đông – Tây - Nam - Bắc.
- Mãi bận tâm gió bấc, gió nồm…
- Mãi lắng nghe tiếng thở nhọc nhằn của bản thân 
- Mãi đếm từng bước chân nặng trịch.
- Mãi băn khoăn thành công, thất bại…
Đó chính là những thứ khiến tôi bị “nhiễu” và quên mất rằng cái chết luôn đe dọa, chực chờ. Một vài dấu vết tìm được khiến tôi phấn chấn ngỡ rằng mình đã thành công, nhưng không, sự sống vẫn đâu đó mơ hồ xa lắc. Những thành đạt trong chừng mực nào đó cứ huyễn hoặc tôi, khiến tôi không đủ can đảm để dừng lại và… lắng nghe. Tôi quên mất rằng chỉ đến lúc thực sự thoát khỏi những “tạp âm” của con người và cuộc đời, tôi mới lắng nghe được âm thanh của “sự sống”.
Nhờ đó, tôi tập tành làm thơ và nhận ra rằng: Thơ chỉ phát ra từ sự thinh lặng. Sự thinh lặng này phải là sự thinh lặng của tâm hồn chứ không phải sự thinh lặng của âm thanh.  Chắc chắn một điều là: Mỗi khi làm được một bài thơ tâm tình hay ca tụng Chúa, tôi đều cảm thấy tâm hồn rất bình an! 
PIO X LÊ HỒNG BẢO

 

TÂM SỰ PHÊRÔ

  •   30/09/2021 02:23:00 AM
  •   Đã xem: 462
  •   Phản hồi: 0

ĐƯỜNG THẬP TỰ HÔM NAY

  •   30/09/2021 02:20:00 AM
  •   Đã xem: 397
  •   Phản hồi: 0

TÂM SỰ KẺ ĐI HOANG

  •   30/09/2021 02:17:00 AM
  •   Đã xem: 340
  •   Phản hồi: 0

CHUYỆN CỦA HAI NGÀN NĂM

  •   30/09/2021 02:13:00 AM
  •   Đã xem: 383
  •   Phản hồi: 0

TÂM SỰ PHANXICÔ ASSISI  

  •   30/09/2021 02:10:00 AM
  •   Đã xem: 373
  •   Phản hồi: 0
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây