Tên thật: Giuse Nguyễn Hồng Đức – sinh năm 1959 tại Sài Gòn – Học tiểu chủng viện rồi đại chủng viện Đà Lạt tới năm 1986 – Hiện định cư ở Lyon (Pháp quốc), làm việc cho một hãng dược phẩm liên hợp Pháp Đức – Rất yêu thích văn thơ và lịch sử, bắt đầu làm thơ từ năm 17 tuổi – Có truyện ngắn và thơ trên báo Giáo Xứ Việt Nam Paris, Lời Chúa, Thánh Gia – Hiện đang cộng tác với website của giáo phận Đà Lạt, thường viết những bài suy tư và làm thơ với những bút danh: Thanh Phương, Bọt Biển, Ân Linh…
Khi chọn bút hiệu Thanh Phương, người viết nghĩ tới phương trời xanh, bao la hi vọng, phương trời của Chúa Thánh Thần. “Gió muốn thổi đâu thì thổi”. Gió đã thổi vào hồn dân tộc Việt lòng thành kính Trời Cao, trọng lễ nghĩa, yêu con người… trải suốt hơn 4000 năm.… Dấu ấn Thần Linh Chúa bàng bạc trên quê hương và trong lòng người làm tôi vô cùng cảm phục sức mạnh của Tình yêu Chúa. Trên đất Việt, hồn dân tộc như mảnh đất tốt, được các vị thừa sai do Thánh Thần dẫn dắt, nhiệt tình yêu thương gieo hạt giống Tin Mừng. Gương hi sinh chịu khó và những tấm lòng đó đã khiến tôi càng quyết tâm trau dồi tiếng mẹ đẻ cho thật đẹp, thật thông , để phổ biến, rao truyền và ngợi khen lòng nhân lành của Chúa. Trong xã hội Việt Nam xưa nay, những hình ảnh Tin Mừng như được vẽ lại, sống lại, đánh động lòng người: những mái nhà tranh nghèo nàn, chuồng bò đầy rơm rạ, mục đồng… hệt như cảnh Bêlem lúc Chúa âm thầm đến. Những hình ảnh của dụ ngôn: ruộng đồng, thợ gặt, cỏ dại, muối mặn, mẻ lưới… Rồi còn những người bé mọn của Phúc Âm: nghèo khổ, goá bụa, cô nhi, tật nguyền, ốm đau, bất hạnh… Tin Mừng thật gần gũi, thật thân quen. Lòng nhân ái vị tha, sự đùm bọc, dạ đơn sơ chân thành của dân mình, quê mình, sao giống Tin Mừng đang diễn giải, đang sống thực, say đắm lòng người. Tôi thấy Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào sa mạc, sao như dân tộc mình đã và đang trải qua bao thử thách nhọc nhằn của áo cơm, của xa hoa và quyền lực. Đôi lúc chúng ta tưởng mình đã đi xa trên đường tiến đức, nhiệt tình tìm về nước Trời vĩnh cửu, bỗng thấy mình như quanh quẩn trong sa mạc 40 năm, đời in những vết chân nặng dấu ấn của mình. May thay có Thánh Thần Chúa, với những thử thách để rèn luyện, những vấp ngã để trưởng thành, những nghi ngờ để thêm vững tin, những lầm đường để định cho rõ hướng. Cảm ơn Chúa đã cho tôi đồng hành với quê hương giữa lòng Hội Thánh, có lúc nản lòng nhưng chân vẫn bước, mắt như ríu lại mà vẫn nắm tay Chúa không buông, vượt những đêm dài nhờ luôn hi vọng bình minh. Quê hương và Giáo hội Việt Nam cùng trưởng thành qua bao thử thách khổ đau, phải chăng nhờ đó mà chúng ta dễ xúc động cảm thông với người nghèo, cảnh nghèo, để biết yêu thương là phục vụ, để hiểu rằng Chúa Kitô là người bên cạnh đang cần được săn sóc, đùm bọc, chở che? Lòng mến Chúa yêu người, có được nói lên bằng bao ngôn ngữ văn chương thì cũng chỉ diễn tả phần nào vẻ đẹp của những gì Thần Linh Chúa đang hoạt động nơi chúng ta qua những điều tích cực. Cả đến những tiêu cực còn tồn đọng cũng không khiến ta nản lòng, vì chúng như làm sáng thêm, rõ thêm sự dấn thân nơi bao chứng nhân thầm lặng của Tin Mừng Chúa. Tôi tin tương lai của dân tộc, của Hội Thánh Việt Nam sẽ huy hoàng như buổi sáng phục sinh sau ngày Thứ Sáu Thánh. Những gì chúng ta làm, chúng ta mong đợi, đã và sẽ vượt qua những ngôn từ, chữ nghĩa của loài người, khi diễn tả tình yêu là chính Chúa. Người là Thầy dạy và muốn chúng ta lên tiếng, cầm bút, loan báo Tin Mừng trong khả năng hữu hạn của mình, rao truyền cho mọi người Tin Mừng lớn lao vĩnh cửu: Đức Giêsu Kitô là Chúa, Đấng cứu độ duy nhất của trần gian. THANH PHƯƠNG