THI CA VÀ ĐỨC TIN TÔN GIÁO QUA KINH NGHIỆM BẢN THÂN (

Chủ nhật - 27/06/2021 05:37
THI CA VÀ ĐỨC TIN TÔN GIÁO QUA KINH NGHIỆM BẢN THÂN
(Bài nói chuyện về thơ đạo tại Đan Viện Xi Tô Thánh Mẫu Thiên Phước )      Vĩnh An

Từ thơ đời đến thơ đạo                                                                       
Khi một người bạn thi sĩ nhờ tôi viết về kinh nghiệm làm thơ tôn giáo đã thăng tiến đời sống tâm linh hay đức tin như thế nào tôi thấy rất phân vân. Có hai lý do làm tôi phân vân: trước hết tôi vốn không phải là người từ một gia đình đạo gốc, tôi theo đạo khi vừa ngoài hai mươi tuổi nói cách tôi không sùng đạo lắm; thứ hai tôi chỉ làm thơ từ sau ngày 30 tháng tư, trong những tháng năm khốn đốn về mọi mặt và bắt đầu từ thơ đời như một cách trốn chạy những nỗi vất vả, thậm chí bế tắc của đời sống.
Thế nhưng khi chúng ta sử dụng ngôn ngữ thi ca để viết về cuộc đời với ánh sáng và bóng tối của nó, với những ngày nắng ấm và những lúc mưa buồn, thì một yêu sách như nhau về thẩm mỹ luôn đặt ra nghĩa là để bài thơ hay và diễn tả được cái chiều kích mà nó được gắn với Đấng là Chân, Thiện Mỹ thì người viết phải đạt đến ý nghĩa sâu xa của nó, cái ý nghĩa mà Đấng Tạo Hóa đã đặt vào các tạo vật của Ngài: vào ngày nắng ấm vào lúc mưa buồn. Chiều kích này vốn mong manh, khó thấy nên con mắt tâm hồn phải được khai quang, điểm nhãn mới thấy được.
Vả lại một tín hữu sẽ mau chóng nhận diện Đấng là Chân, Thiện, Mỹ ấy - cứu cánh của hầu hết các tôn giáo - chính là Thiên Chúa, vì thế chính việc làm thơ đời thường nếu đi đến tận cùng yêu sách thẩm mỹ của nó, một tín hữu như tôi phải đến với tôn giáo. Và tôi đã lên tiếng gọi Ngài đến như trong ba câu cuối một bài thơ:
Ngài hãy đến Chúa ơi/ Trước khi màn đêm rơi / Và gió đêm lạnh thổi
hoặc trong một bài thơ khác:
Tôi âu yếm khẽ gọi tên Người/ Emmanuel con xin Chúa ở cùng /Xin Chúa đến trong lòng con /Và dựng lều Chúa Thượng.   
Vâng, một lúc nào đó, tôi đã đến với việc làm thơ đạo. Và tôi đã mời Chúa đến để thực hiện ơn gọi làm thơ đạo nơi tôi. Nhờ đó con mắt đức tin của tôi sẽ mở ra để có thể nhìn thấy và diễn tả cái đẹp vốn có trong mọi thụ tạo như các dấu ấn mà Thiên Chúa đã đặt vào tạo vật

Điều kiện của ơn gọi làm thơ đạo   
Như thế tôi coi việc làm thơ là một ơn gọi để tìm cái đẹp trong cội nguồn của nó là chính Thiên Chúa và không chỉ dừng lại ở những biểu hiện đời thường mà bất kỳ nhà thơ nào cũng nắm bắt được. Vả lại ơn gọi nào cũng là một sự cộng tác từ hai phía: Thiên Chúa yêu tôi, mời tôi đi vào ơn gọi làm thơ đạo, ví dụ thế, nhưng về phần tôi tôi phải đáp trả bằng hai tiếng “xin vâng” của Đức Mẹ Maria, ví dụ thế, và tôi phải có những bước chuẩn bị nào đó, những điều kiện nào đó vì có một điều chắc chắn là tôi không được ơn “vô nhiễm” như Đức Maria.
Ngày xưa, một người dân thành Athène muốn nhận được một lời sấm thì phải đến đền thờ chư thần Delphe nhờ một bà đồng xin giúp cho nơi thần Apollo. Bà này vốn là một người sống đời chay tịnh. Chí ít đời sống khổ hạnh này sẽ giúp bà được đến gần thần linh để xin lời sấm và người xin sấm phải tạ ơn thần linh bằng một của lễ, có thể là một con gà trống, một bánh trái gì đó.
Các vị vua ngày xưa cũng thế, muốn xin một quẻ bói về vận mạng đất nước hoặc về việc xuất quân chinh phạt, cũng phải nhờ quan tế tự gieo quẻ. Cả vua và ông quan này phải ăn chay nằm đất một tuần trước khi gieo quẻ. 
Các sĩ phu khai đạo Cao Đài cũng thế, trước khi cầu cơ để nhận sự khai sáng của Đức Chí Tôn, họ phải giữ mình sạch sẽ chay tịnh.
Hơn các tín ngưỡng tự nhiên, người công giáo làm thơ đạo là người bước vào thánh địa siêu nhiên của thi ca. Thánh địa này nằm giữa đất và trời, giữa cõi những sự thuộc thế gian - và hơn mọi nghệ thuật khác kể cả nghệ thuật thờ phụng - cõi ấy tiếp giáp và nhiều nơi hòa nhập vào cõi của Lời hằng hữu. Vậy những điều kiện để làm thơ đạo là gì? Tôi xin mượn lại quan điểm của Thomas Merton, một đan sĩ dòng Trappe, một nhà văn, một nhà thần bí công giáo, một trong bốn người Mỹ được Giáo Hoàng ca ngợi tại lưỡng viện Hoa Kỳ trong chuyến công du mới đây. Đó là khát vọng nên thánh và đời sống chiêm niệm của người làm thơ đạo.
a)Khát khao sự thánh thiện: Trong nhật ký ngày 1 tháng mười 1941, Thomas Merton viết: “Có một điều gì mà mọi thi sĩ [công giáo] cần biết? Họ cần được nhắc lại rằng họ gần gũi các thánh, mọi người cũng cần được nhắc lại điều này. Để làm một điều gì tốt trong thế giới này, bạn phải từ bỏ mọi sự trần tục để làm điều đó: bạn phải yêu thích nó và cho nó cả đời sống bạn… Lý do có quá ít các thi sĩ công giáo giỏi cũng giống với lý do tại sao có quá ít người công giáo tỏ ra khao khát sự thánh thiện (…) Tất cả chúng ta đều tầm thường, thơ ơ, bám víu vào những cái vô giá trị hay những vấn đề nhỏ mọn của lòng tự mãn…”  
Cũng trong đoạn nhật ký này, Thomas Merton cũng gợi ý rằng để nuôi dưỡng lòng khát khao sự thánh thiện, họ không thể thiếu tinh thần nghèo khó và khiêm nhu nếu không nói phải sống trọn đủ tám mối Phúc thật của Bài giảng trên núi của Đức Giê-su Chúa chúng ta.
b)Tinh thần chiêm niệm : Trong tiểu luận “Thi ca và Chiêm niệm: một nhận định mới”, ngày 24 tháng 10, 1958 nghĩa là hai năm trước khi ông mất, Thomas Merton viết: “Không có một thi ca Ki-tô giáo xứng đáng với tên gọi mà không được viết ra bởi một người có một trình độ chiêm niệm nào đó. Tôi nói ‘một trình độ nào đó’ vì rõ ràng không phải một nhà thơ Ki-tô hữu nào cũng là một nhà thần bí. Nhưng một nhà thơ chân chính luôn luôn giống với nhà thần bí vì trực giác tiên tri của người ấy khi nhìn các thực tại tinh thần, các ý nghĩa bên trong của đối tượng mà người ấy chiêm ngưỡng, làm cho thực tại cụ thể không chỉ đáng được ngưỡng mộ nhưng trên hết nó làm nên một dấu chỉ về Thiên Chúa. Mọi nhà thơ Ki-tô hữu đều là những nhà chiêm niệm theo nghĩa họ thấy Thiên Chúa mọi nơi trong tạo vật của Người và trong các mầu nhiệm của Người. Họ nhìn thấy thế giới tạo vật chứa đầy dấu chỉ và biểu tượng của Thiên Chúa. Đối với nhà thơ Ki-tô hữu chân chính, toàn thể thế giới và mọi sự cố của đời sống đều trở thành các bí tích – các dấu chỉ về Thiên Chúa, dấu chỉ về tình yêu của Người đang hoạt động trong thế giới.”    
Đến đây tôi xin trích một thánh thi cổ để giải tích thêm về từ ngữ “dấu chỉ” trong đoạn trên:

Ngài là lò lửa
Làm thế nào Ngài là lò lửa
Là suối trong mát mẻ trào tuôn
Một vết phỏng ngọt ngào êm dịu
Làm sạch bao ô uế chúng con
Chúng ta thấy ở khỗ thơ này các sự vật cụ thể như lò lửa, dòng suối, vết phỏng đã trở thành “dấu chỉ” về Thiên Chúa và tình yêu tha thứ của Ngài khi được hiểu theo nghĩa biểu tượng. Khi đọc, người đọc sẽ cảm nhận một kinh nghiệm thẩm mỹ chân thật là một cái gì vượt lên trên không chỉ bình diện khả giác (mặc dù trong đó bình diện này là khởi điểm) mà cả bình diện khả tri của lý trí. Đó là một trực giác siêu lý nắm bắt ý nghĩa cao siêu tiềm tàng trong các sự vật.
Cũng trong tiểu luận đó, Thomas Merton đã xác định ý nghĩa của tinh thần chiêm niệm mà nhà thơ phải có, ông viết,
“Rõ ràng nhà thơ không cần phải đi vào một đan viện để trở thành một nhà thơ tốt hơn, cái chúng ta cần là những “người chiêm niệm” bên ngoài nội cấm và bên ngoài kiểu mẫu cố định nghiêm ngặt của đời tu, … Điều này có nghĩa là sự thống nhất của công việc, tư tưởng, tôn giáo, đời sống gia đình và những sự tiêu khiển của một người phải ở trong sự hài hòa sinh động với Đức Ki-tô tại trung tâm của đời sống ấy. Đời sống phụng vụ là một ví dụ rõ ràng nhất của “sự chiêm niệm tích cực,”
Dĩ nhiên, đời sống phụng vụ này bao hàm cả thánh lễ, cầu nguyện, đọc lời Chúa (Lectio divina). Mặt khác cụm từ “sự chiêm niệm tích cực” là để phân biệt với một trình độ chiêm niệm cao hơn là chiêm niệm thiên phú, trình độ này hoàn toàn do ơn Chúa ban cho, lúc đó người chiêm niệm hoàn  toàn  thụ  động và chỉ ít người có được ở đó nhà thần bí hoàn toàn hiệp nhất với mầu nhiệm Thiên Chúa. Có thể gọi sự chiêm niệm tích cực này là sự chiêm niệm giữa đời luôn quy hướng mọi sự về Thiên Chúa yêu thương.
Sự chiêm niệm tích cực này có thể so sánh với thiền-hành-động của Thiền tông, Phật giáo. Đây là không gian của các bài thơ thiền. Vì thế những người không hành thiền và nhất là trong thơ  không chỉ ra được thực tại giải thoát không thể nói thơ mình là thơ thiền được.

Tạm kết luận
Tôi tập trung nói về “đầu vào” của thơ đạo và các bạn có thể hỏi: Vậy làm thơ đạo có đem lại lợi ích thiêng liêng gì cho Kitô hữu không. Xin trả lời rằng nếu làm tốt “đầu vào” thì “đầu ra” mang lại rất nhiều lợi ích. Chính đức Ki-tô đã nói rằng “ai có sẽ được cho thêm còn ai không có, thì cái đã có cũng sẽ bị lấy lại”. Vâng chúng ta luôn được cho thêm và khi chuẩn bị tâm hồn thuần hậu, thanh cao, thì ngoài những bài thơ hay và siêu thoát, chúng ta còn được ban cho đức tin vững vàng, đức cậy bền đỗ, và đức mến nồng nàn cùng các nhân đức khác của người Kitô hữu trưởng thành.      

                        Vĩnh An  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây