GIOA-KIM
Tên thật: Gioakim Nguyễn Văn Sâm
Bút hiệu: Gioa-Kim
Sinh và rửa tội: 1941, tại Hà Thanh, Thừa Thiên
Cựu đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế, học nhạc với Lm.
Nhạc sĩ Hoàng Diệp, DCCT
Tốt nghiệp cử nhân Văn khoa Sài Gòn năm 1969.
Sáng tác thánh ca. Làm thơ Đạo, đăng trên Mạng Lưới Dũng Lạc và Blog Viết Cho Nhau
- Hiện cư ngụ tại Houston,Texas, Hoa Kz.
-Email: ns.gioa.kim@gmail.com
-Blog cá nhân: http://gioakim.blogspot.ca/
HẠNH PHÚC TÌM LẠI.
Chiều nay, vừa bước vào nhà nguyện mình chợt thấy một người bạn cũ đang quì cầu nguyện rất sốt sắng. Gia đình mình thường gọi anh ấy là “chú Xuân” vì anh ấy nhỏ hơn mình vài tuổi.
Mình và Xuân là bạn học hồi nhỏ từ khi bắt đầu học Lớp Nhất (tức là Lớp Năm bây giờ). Cho đến bây giờ mình vẫn còn nhớ rất rõ gương mặt ngây thơ với nụ cười hồn nhiên để lòi ra chiếc răng khểnh rất dễ thương của Xuân thuở nào. Bây giờ chiếc răng khểnh không còn nữa vì cả hai hàm răng đã “đi chơi” đâu mất rồi, thay vào đó là hàm răng giả đều đặn, và nụ cười tươi tắn ngày nào bây giờ cũng đã nhuốm màu thời gian. Có lẽ đó là hậu quả của những tháng năm dài gian nan khốn khổ vì thời cuộc… Ngoài việc mất hàm răng, Xuân còn mắc chứng lãng tai nên được những người chung quanh tặng cho biệt danh là “Xuân điếc” để phân biệt với mấy anh khác có cùng tên trong cộng đoàn. Anh bạn “Xuân điếc” của mình là một người rất đạo đức, mặc dù cuộc sống có những khốn khó đến với anh, tuy nhiên anh vẫn vui vẻ chấp nhận và có một niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa.
Anh sống ẩn dật vì không nghe được rõ ràng những gì người khác nói. Anh bảo nhờ sự điếc lác mà anh tìm được sự bình an trong tâm hồn và anh có được sự tĩnh lặng để hướng lòng về Chúa. Thay vì chuyện trò với người đời thì anh nói chuyện với Chúa. Điều đó làm anh thấy hạnh phúc. Thật vậy, sự đau khổ mà mình chấp nhận và thậm chí còn muốn nhận thì đau khổ sẽ vơi đi hoặc không còn là đau khổ nữa.
Thấy anh bạn điếc lác của tôi vui vẻ với bệnh hoạn của mình, tôi nhớ đến một người điếc khác rất lừng danh, là một nhạc sĩ vĩ đại của thế giới âm nhạc: Đó là Ludwig van Beethoven.
Những triệu chứng của bệnh điếc đã gây phiền toái cho ông và làm ông cáu kỉnh buồn bực. Ông phải mang theo cuốn sổ để viết ra những câu đàm thoại cho người khác biết ông muốn nói gì và ngược lại. Thấy rằng không ai thông cảm và muốn giúp ông nên Beethoven xa lánh mọi người và sống cô độc. Ông bị người đời cho là một kẻ yếm thế, vì vậy ông càng sa sút tinh thần hơn.
Ông soạn chúc thư nói rằng có lẽ ông phải tự tử. Nhưng may mắn cho ông vì Thiên Chúa quan phòng đã cho ông gặp được một thiếu phụ bị mù lòa cùng trọ chung một nhà. Một đêm nọ cô ấy nói như hét vào tai ông cho ông nghe: “Tôi ước ao đổi hết mọi sự để được một lần nhìn thấy ánh trăng”. Lòng ham sống trở lại mãnh liệt với ông và đưa ông đến việc sáng tác một trong những tác phẩm hay nhất của mọi thời đại, đó là bản nhạc “Sonata Ánh Trăng” (Moonlight Sonata). Những năm tháng sau khi khắc phục được sự muộn phiền cũng giúp ông sáng tác nên bài “Ca Tụng Niềm Vui” (Ode to Joy) trong giao hưởng số 9 là đỉnh cao của sự nghiệp sáng tác nghệ thuật phi thường của Beethoven. Người ta cho rằng bài “Ca Tụng Niềm Vui” biểu lộ lòng biết ơn của ông đối với Thiên Chúa và cuộc đời vì đã giúp ông khỏi phải tự tử. Ông cám ơn người thiếu phụ đã gợi í cho ông dệt nên bài “Sonata Ánh Trăng” với một giai điệu tuyệt vời. Câu nói của người con gái mù lòa đã làm cho ông thấy rằng ông còn có phúc hơn một số người khác. Đây là môt thái độ sống giúp cho con người biết bằng lòng với số phận và hoàn cảnh của mình. Đây chỉ là một thứ triết lí bình dân và phổ thông, nhưng ai biết để tâm suy ngẫm mới thấy được giá trị của nó.
Nhân nói về bài nhạc “Sonata Ánh Trăng” mình liên tưởng đến nhà thơ lừng danh Hàn Mạc Tử, một người say mê Trăng. Hàn Mạc Tử bị phong cùi rất đau đớn và trong cơn đau đớn đã làm nên bài trường thi Ave Maria bất hủ.
Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh
Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh.
Mình nhớ lại hồi còn nhỏ, bản thân mình cũng có khi buồn phiền vì thấy thua chúng kém bạn mặt này mặt nọ. Thấy vậy, một hôm mẹ mình bảo: “Con đừng nhìn lên mà nên biết nhìn xuống để thấy con còn có phúc hơn nhiều người thì con sẽ không thấy buồn phiền nữa”. Câu nói của mẹ đã gây cho mình một ấn tượng sâu sắc trong suốt cả cuộc đời. Mình nhận thấy rằng con người sở dĩ khổ sở vì không bằng lòng với số phận và khi gặp hoàn cảnh đau thuơng thì thường than trời trách đất và cho rằng mình không đáng phải chịu cảnh ngộ ấy. Một lần kia mình chia sẻ í nghĩ đó với một người khác. Anh ta bảo rằng: “Nhìn xuống à? Nếu tôi không còn thấy ai khổ hơn để nhìn xuống thì sao?”. Mình ngẫm nghĩ rồi bảo anh ta: “Nếu bạn thấy không còn ai để nhìn xuống thì hãy nhìn vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chấp nhận thân phận của môt con người khốn khổ, sinh ra khó hèn nơi hang bò lừa hôi hám, chiụ thương khó và chết đau đớn nhục nhã trên thập giá để cứu chuộc chúng ta. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, còn ta là phàm hèn tội lỗi. Chúa có đáng chịu lầm than khốn khổ vậy không? Hoàn toàn không! Vậy sự đau khổ của ta so với sự thống khổ của Chúa và thân phận ta so với Đấng Toàn Năng thì nào có đáng gì. Nhận thức được điều này ta sẽ không còn thấy là ta không đáng phải chịu đau khổ nữa mà sẵn lòng chấp nhận hoàn cảnh của mình. Lúc mình biết bằng lòng là đã bước gần đến hạnh phúc rồi đó.
GIOA-KIM