GLASSEY-TRẦNGUYỄN TRANGĐÀI
Họ tên: Glassey-Trầnguyễn Trangđài - Tên thánh: Mada-glena Các bút danh khác: ftsmj, Mộng Đào, Tiểu Quyên Sinh ngày: 19-9-1975 – tại Gò Công, Tiền Giang, Việt Nam.
Tác phẩm: “Nếu Mẹ thích” (thơ song ngữ Anh Việt, với bản dịch 13 thứ tiếng khác, 2001), “Cút bắt” (thơ cảm ng-hiệm Đức Tin, 2002), “Of things i’ve seen -những điều trông thấy” (thơ song ngữ Anh Việt, 2004) – “X-X1: songs for aboat father - Thuyền nhân khúc cho Ba” (thơ song ngữ Anh Việt, 2004). “Mùa yêu con Thứ nhất” (2012).
ĐTDĐ: 714-204-8340
Email: vietamproj@gmail.com
Website: www.trangdai.net
CHÚA QUYẾN RŨ TÔI LÀM MẸ
Lời người biên tập: Trước ngày lập gia đình, Trầnguyễn Trangđài đã in nhiều tập thơ, trên đây chỉ là vài tập tiêu biểu. Khi được ơn làm mẹ, chị đã viết nhiều thơ về tình mẹ, một vài bài được giới thiệu dưới đây. Bài “Chúa quyến rũ tôi làm mẹ” là một chia sẻ dài và phong phú về kinh nghiệm làm mẹ. Chúng tôi xin lược trích (TTT).
* Một tiếng gọi
Có bao nhiêu lần, một đôi vợ chồng trẻ mơ về đứa con đầu lòng, không biết sẽ là gái hay trai, sẽ giống Ba hay giống Mẹ, giống bên Nội hay bên Ngoại nhiều hơn? Nhất là trong thời kỳ mang thai, hai vợ chồng sẽ không thể ngưng nói về đứa con đầu lòng trong khi đợi ngày hạnh ngộ. Ơn gọi làm Cha Mẹ là một tiếng gọi thật tự nhiên và diệu kỳ. Ơn gọi ấy cho phép con người liên kết sự sống ngắn ngủi của mỗi đời người, để làm nên chuỗi dài đời sống của nhân loại. Ơn gọi ấy tuy rất riêng tư cho mỗi đôi vợ chồng, nhưng lại vô tận và phổ quát, vì kết quả của một lời đáp trả chính là một mắt xích sự sống, cho phép nhân loại tiếp tục tồn tại. Ơn gọi ấy là một đặc sủng, mà qua đó Thượng Đế cho phép con người dự phần vào công trình sáng tạo của Người.
Tôi nghe tiếng gọi ấy khi chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân. Tiếng gọi ấy mang theo cái náo nức của một mùa gió chướng, cái nôn nao chuẩn bị đón Tết của một đứa bé vô tư. Một đứa bé lên mười không hiểu hết cái thiêng liêng của ngày Tết, nhưng nó biết đấy là một dịp trọng đại và hân hoan, một dấu mốc quan trọng.
Tiếng gọi làm Mẹ đến với tôi như những đợt gió chướng lồng lộng thổi trong không gian nắng mật. Tôi chưa thấu hết cái thiêng liêng và diệu kỳ của tiếng gọi ấy, như đứa trẻ lên mười chưa hiểu hết cái mênh mang của mùa Tết. Nhưng tôi thấu được cái hân hoan, cái hớn hở, cái háo hức của việc làm Mẹ. Tôi cảm nghiệm được cái linh lung của một mùa xuân mới sẽ đến trong lòng mình.
* Những dấu thăng
Đối với tôi, những thử thách trong việc thai nghén và sinh nở là những dấu thăng trong ơn gọi làm Mẹ. Tại sao là thăng, mà không phải là giáng? Chẳng phải những thử thách này là những đoạn nhạc chùng trong bản nhạc muôn cung muôn điệu của kinh nghiệm duy trì giống nòi ư?
Theo lẽ thường, thì những khó khăn gặp phải trong thời kỳ thai nghén là những dấu giáng. Nhưng trong Đức Tin, thì tôi nhận ra đây là những dấu thăng, vì những khó khăn này chính là những nấc thang, bắt tôi phải ì ạch ‘bò’ lên. Nhưng khi đã ‘bò’ qua khỏi những nấc thang ấy, thì tôi lên gần Chúa hơn, tôi hiểu Chúa hơn, tôi biết được Chúa đang dành phần tốt hơn cho tôi ở nấc thang trên cùng kia.
Và không chừng, cũng có những nấc thang mà tôi không phải ‘bò’ lên. Biết đâu có lúc, tôi ‘bò’ mệt quá, than thở với Chúa một tí, trách hờn Chúa một tí, rồi ngồi ì ra đấy, chẳng thèm ‘bò’ nữa. Một là Chúa tức cười cái sự non dại của tôi, hai là Chúa dủ lòng, dang tay nhấc tôi lên, thì tôi được ‘bay’ qua những nấc thang này để lên cùng Chúa. Chung cuộc, ‘bò’ hay ‘bay’ lên, thì cuối cùng, tôi vẫn được ‘thăng’ lên trong ơn nghĩa với Cha trên trời, trong niềm hạnh phúc nhân cao.
* Ngày ngày, Con quyến rũ Mẹ….
Mới ngày nào, tôi còn ngỡ ngàng trong những chuyện thai nghén, mà thoáng cái, thì đã gần đến ngày thôi nôi Mùa xuân đầu tiên của chúng tôi rồi. Vậy mà tôi vẫn bị ‘làm khổ.’ Tôi vẫn thích Con đến chết mê chết mệt, vẫn ghiền ôm ẵm, vẫn mếch líu lo, vẫn lụy khóc cười của Con. Ngày nào, tôi cũng hỏi Con: “Sao con cứ quyến rũ Mẹ mãi thế?!” Con chỉ cười với tôi, khoe hai cái răng non thật sắc mà Con vẫn dùng để ghi lại dấu ấn tình yêu trên cánh tay tôi. Thế là tôi lại bị hớp hồn tiếp!
Nếu mỗi người chúng ta là những công cụ của Chúa, thì trẻ thơ chính là những công cụ toàn hảo toàn bích nhất của Hóa Công. Tâm hồn trẻ thơ thật phong phú và bao dung. Hình như Con không bao giờ ‘nhớ’ những bất toàn của tôi. Nếu hôm nào tôi có lỡ chậm chạp trong việc chăm sóc Con, thì Con cũng không giận tôi.
Tôi hay đùa với chồng, bảo là tình yêu mà Con dành cho tôi quả là một tình yêu vô điều kiện. Có những ngày, tôi không kịp tắm rửa, đầu bù tóc rối, mắt mũi kèm nhèm vì thiếu ngủ, nhưng tôi chỉ cần đi sang phòng khác rồi quay trở lại, thì Con đã hét lên rạng rỡ khi thấy tôi. “Chưa có ai yêu em đến thế này!” Tôi chợt nhớ, Chúa cũng yêu tôi như vậy, cho dù tôi có luộm thuộm thốc thếch đi nữa.
* “Hãy nên như trẻ thơ…”
Cảm nhận đầu tiên của tôi sau khi sinh là: Trẻ sơ sinh đưa chúng ta đến gần với Chúa hơn. Dự phần vào Mầu Nhiệm Sự Sống là dự phần vào mạch chảy của Thiên Quốc, nhìn ngắm khuôn mặt của trẻ thơ là nhìn ngắm ánh quang tinh tuyền của Đấng Chí Tôn. Chúa hiện diện trong những tâm hồn thánh thiện, và sau khi khoác lên mình bí tích Thánh Tẩy, thì trẻ thơ cũng trong ngần như hào quang nơi Tòa Chúa.
Tôi gọi cuộc đời của mình từ ngày được làm Mẹ là Mùa Yêu Con. Dĩ nhiên gọi như vậy thì có vẻ như ‘bỏ quên’ chồng, nhưng thực ra, Con là thực thể của sự kết hợp vợ chồng, nên nói đến Con, là nói đến Nhiệm Tích Hôn Nhân, là nói đến sự hiện diện của Chúa trong sự kết hợp nam nữ, và Con chính là Món Quà Hồng Ân mà Chúa ban tặng trong ơn gọi gia đình.
Mỗi ngày, Con quyến rũ tôi, thì mỗi ngày, tôi nhắc chồng và nhắc mình rằng: Chúng tôi được Chúa cho phép gìn giữ bảo ngọc của Ngài. Chúng tôi phải sống đúng trách nhiệm của mình, để xứng đáng với sự tín thác của Chúa. Như ánh sáng từ Trời, Con rọi xuyên qua chúng tôi, và nếu chúng tôi mở lòng, chúng tôi sẽ được soi sáng.
Tôi học nên như trẻ thơ, để giống như Con, để yêu Con, để mãi mãi thuộc về Con. Vì Con, ở ngay trong lúc này, là hình ảnh gần gũi nhất của Thiên Đàng.
Anaheim, California
Viết trong mùa yêu con
GLASSEY-TRẦNGUYỄN TRANG ĐÀI