Tên thật: Phêrô Đặng Xuân Thành, sinh năm 1954 tại Hải Phòng, nguyên quán ở làng Đàn Giản, tỉnh Hà Đông trước kia. Học các chủng viện Thánh Giuse Qui Nhơn từ năm 1965 và Piô X Đà Lạt từ năm 1972. Sau 1975, làm công nhân ở Daklak, giáo viên ngoại ngữ, dịch thuật và biên tập sách tôn giáo tại Sài Gòn. Hiện nay là linh mục giảng dạy tại Đại Chủng Viện Hà Nội.
Có thể nói hai phần ba cuộc đời linh mục của tôi (hơn 30 năm cho tới năm 2012) xoay quanh hai trục chính trong suy tư cũng như trong việc làm: Một là gắn bó với những con người “ngoài phố”, từ những người thân trong gia đình đến những sinh viên hay giáo viên tại trường lớp, những người làm công hay làm chủ, những người khác Đạo hay không Đạo, ngay cả những người có Đạo hay thuộc hàng ngũ những người tu hành cũng là những người sinh sống và tu trì “giữa đời”. Hai là gắn bó với công việc đào tạo (dưới nhiều hình thức như dạy ngoại ngữ hay thần học, viết lách hay dịch thuật, hướng dẫn tĩnh tâm hay đồng hành thiêng liêng). Bên ngoài có thể là những lựa chọn có phần nào do hoàn cảnh bắt buộc, nhưng sâu xa bên trong là đáp lại một lời mời gọi của Thiên Chúa – một lời mời gọi không phải chỉ bắt đầu với thái độ và lập trường của Giáo hội Công Giáo trong công đồng Vatican II (đồng hành với nhân loại), mà đã có từ xa xưa qua cách ứng xử của Thiên Chúa với dân Do Thái trong lịch sử (nhập cuộc và hành động). Đó là lời mời gọi nhìn ra bước đi của Chúa trong chuyển biến lịch sử hết sức cụ thể của những con người, nghe ra tiếng nói của Chúa trong những động tĩnh hết sức tầm thường của những cuộc đời. Và cũng vậy, trả lời cho Chúa qua những câu nói ấp úng – những cử chỉ đơn sơ – những hành vi giản dị của con người... Phải chăng đó là công việc của một ngôn sứ có Đạo? Hay cũng là công việc của một người làm thơ tôn giáo? NGUYỄN CA NGUYỆN