Tên thật: Phaolô Nguyễn Hoàng Đức – sinh ngày: 5-04-1957 – tại Hà Nội – Quê quán: Xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình -– Được ơn đức tin và lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy lễ Phục Sinh 2003.
Tác phẩm: Những người chăn kiến (Tập truyện ngắn, 1992) - Kẻ hành hương từ đời đến thơ (trường ca) - Đợi... chuyến đò đã lỡ (trường ca) - Điệu kèn cô đơn (thơ) - Leo gác ngược (Tập truyện ngắn, 2000) - Cô đơn con người, cô đơn thi sĩ (Tiểu luận phê bình, 2000) - Luận về tình yêu (Tiểu luận, 1998) - Tình yêu phong thánh con người (Tiểu luận, 2001) - Ý hướng tính văn chương (Chuyên luận, 1999) Email: paulnguyenhoangduc@gmail.com
BÀI HỌC ĐỨC TIN CỦA BẢN THÂN
Tôi học Đại Học An Ninh (1974-1979), ra trường làm việc tại A16 tức Cục chống phản động thuộc Bộ Nội Vụ (nay là Bộ Công An).
Đầu năm 1987, cục tôi được giao quản lý Đức cha Nguyễn Văn Thuận. Tôi có xin lãnh đạo cục được tiếp xúc thường xuyên với ngài (2 buổi / 1 tuần) để học tiếng Pháp.
Triết gia Hegel được xem như cha đẻ của môn lịch sử hiện đại đã nói rằng: “Lịch sử là nhà hát của Đấng Quan phòng”. Theo ông, nhìn thấu quá trình lịch sử, người ta buộc phải nhận biết lịch sử không đi vu vơ như một con thuyền không lái, mà xét kỹ lịch sử đã đi theo một dự trình tất định nào đó. Dự định đó là của Thượng Đế, mà ông còn gọi là “Ý niệm tuyệt đối”.
Đó là con đường của nhân loại phổ quát, riêng cá nhân tôi cũng thực chứng con đường đức tin đã được Chúa Thánh Thần dẫn dắt đi. Như một triết gia nào đó đã nói, “một hòn đá đặt đúng chỗ có thể chuyển hướng cả một dòng sông”, Đức cha P. X. Nguyễn Văn Thuận đúng là hòn đá đã chuyển hướng nâng cấp cuộc đời tôi từ “công dân trần gian” trở thành “công dân nước Chúa”. Đó là sự kiện thay đổi lớn nhất trong cuộc đời tôi.
Ngẫm lại trong muôn người, tôi là người có phúc rất lớn khi được gần gũi Đức Cha Nguyễn Văn Thuận suốt hai năm liền, không chỉ học được kiến thức, nhân cách mà còn cả đức tin. Đó là hạt mầm mạnh mẽ đã gieo trong tâm hồn tôi. Hạt mầm đó có triển nở không nếu rơi vào không phải đất tốt mà là bụi gai? Năm 1989 sau sự kiện Mùa xuân Bắc Kinh, xin chuyển ngành nhưng không được, nên tôi xin thôi việc. Sau khi thôi việc, tôi vào Sài Gòn, làm ở công ty dầu khí Shell, đường Phạm Ngọc Thạch, tôi đã có nhiều dịp đi lễ ở nhà thờ Đức Bà, Dòng Chúa Cứu Thế, rồi Tân Định. Khi quay trở ra Hà Nội, tôi không đi lễ nữa. Thế nhưng tôi đã nghe mình được kêu gọi qua những giấc mơ. Đặc biệt giấc mơ cuối cùng đã kéo tôi đến thẳng nhà thờ với lời kêu gọi: “Hãy đi vào thế giới của tâm linh thiêng liêng”. Sáng hôm sau, tôi chạy bộ thể dục, đã chạy theo một đường mới khác hẳn mọi ngày, đó là đường chạy quanh làng vòng qua nhà thờ Phùng Khoang ở khu vực dưới Thanh Xuân. Từ đó sáng Chúa nhật nào tôi cũng dậy sớm từ năm giờ sáng để đi lễ nhà thờ. Chính từ thời điểm đó tôi đã dần dần theo Đạo Công giáo, cũng như tích lũy cho mình một “thần hứng” để viết trường ca thần học “Ngước lên cao” vào năm 2000 và lãnh bí tích Thánh Tẩy dịp lễ Phục Sinh 2003. Sau đó tôi đã viết bài làm chứng đức tin, tựa đề: “Con đường đức tin vào nước Chúa – qua cây cầu Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận”. Bài này đã được nằm trong hồ sơ phong thánh cho Đức cha tại Tòa Thánh Vatican. Nếu đức tin chỉ ra rằng: Có một Đấng sáng tạo ở trên cao nặn ra con người, điều khiển và chi phối toàn thể vũ trụ cũng như cả quá trình lịch sử tiến bộ của nhân loại, thì Đấng ấy ở đâu? Trong Tân Ước, Chúa Giêsu có nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Nhân gian thì nói “trăm nghe không bằng một thấy”, rồi “trăm thấy không bằng một sờ”, đó cũng là cách tin tưởng của khoa học được gọi là “thực nghiệm”, nghĩa là chỉ khi nào người ta chứng thực được bằng giác quan: nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy hay sờ thấy thì mới nên tin. Thế nhưng Chúa Trời là Đấng sáng tạo vô biên vô tận ở cùng khắp vũ trụ này thì làm sao con người bé nhỏ giới hạn của ta có thể hiểu thấu về Ngài? Chiếc bình đất sét vô tri kia làm sao có thể nhận ra được bàn tay nặn ra nó ngay từ trong cát bụi? Chúa Giêsu có nói: “Hãy trở nên trong trắng như trẻ nhỏ thì mới vào được Nước Trời”. Kết hợp với câu: “Phúc cho ai không thấy mà tin”, tôi thấy rõ ràng rằng: Đức tin của con người có ngay từ khi thơ ấu, trước cả lúc có nhận thức để đặt câu hỏi thế này thế kia. Chẳng hạn, mọi trẻ em nghe chuyện ma quỉ đều run rẩy, và nghe chuyện tiên ông, tiên bà hóa phép đều tin tưởng, như là điều hiển nhiên không cần suy xét. Điều ấy theo tôi, đó là đức tin được mặc định từ trong bản năng. Nhưng Chúa Trời không chỉ gieo đức tin mặc định vào tâm hồn trẻ thơ, mà Ngài còn làm giàu đức tin ấy qua thử thách và rèn luyện nơi con người trưởng thành. Đức tin phải được chứng thực liên hồi: “Đức tin không việc làm là đức tin chết”. Có không ít giáo dân mang mặc cảm công dân hạng hai, cam chịu thiệt thòi về học hành lẫn công ăn việc làm. Nhưng riêng tôi thì luôn tự hào về quyền năng của Chúa ở trong mình. Chúa nói: “Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa”. Hiện nay tôi đã và đang là tác giả của gần hai chục cuốn sách (cả in lẫn chưa in). Tôi nghĩ mình cầm bút không như một nghề nghiệp, nhưng cao hơn, như một sứ mệnh. Không phải vì tự cao mà nói thế nhưng đó là một cách nghĩ về bổn phận. Có thể coi đó như là cảm nghiệm chung của tôi về Đức tin. Đức Chúa Trời không chỉ ban cho tôi Ơn soi, Ơn gọi, và Ơn chọn. Hơn nữa, Ngài còn ban cho tôi hoa trái của đức tin. Ngài đã ban cho tôi có được trí tuệ, nhân cách, tình yêu tha nhân, lối sống công bình, và cả chút vinh quang không nhỏ nằm trong sự nghiệp; tất cả đã hóa thành tác phẩm của tôi. Xin chia sẻ với bạn viết và bạn đọc đôi lời chân thực. Tôi chỉ là lá nho của Chúa. Lá nho không thể bằng gốc nho. Nhưng khi lá nho đã hút nhựa sống từ gốc nho, nó sẽ mang toàn thể bản tính của gốc nho đó. Như thế, nếu tôi có tự hào thì đó chỉ là sự tự hào trong đức tin, trong - cùng và với Chúa. Paul NGUYỄN HOÀNG ĐỨC