TRẦN AN
Tên thật: Phanxicô Xaviê Trần Văn An,
Tên thường gọi: Trần An-Tràn Ân
Sinh ngày 1/1/1971, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Rửa tội 1971 thuộc giáo họ Cầu ầm, xứ Cầu ầm, giáo phận Vinh.
Vào đan viện Thiên An, Huế, 14-2-1994
Lãnh tu phục 28/5/1995
Thụ phong linh mục 01-01-2008, đan sĩ dòng Biển Đức Thiên An Huế.
trananhue@gmail.com
ƠN TÁI SINH
Tôi sinh ra và lớn lên tại họ đạo Cầu Rầm, thành phố Vinh, khi ngôi nhà thờ Cầu Rầm nổi tiếng tráng lệ, biểu tượng một thời của thành phố Vinh, đã bị tan hoang do chiến tranh mấy năm trước đó.
Nhiều năm không có nhà thờ, sinh hoạt tôn giáo không còn. Khi đến tuổi khôn, bọn trẻ chúng tôi thường được cha mẹ gửi về các xứ quen biết ở miền quê để học giáo lý trong những ngày hè. Tôi xưng tội rước lễ lần đầu ở giáo xứ Nghĩa Yên, huyện Đức Thọ, bên dòng Lam Giang thơ mộng hè 1983! Giáo lý vỡ lòng là lớp giáo lý duy nhất tôi được học. Tôi lớn lên giữa lòng thành phố Vinh, lắm tệ nạn, nhiều ki-tô hữu bỏ đạo hoặc đức tin nguội lạnh.
Từ năm học lớp 12, khi mới 17 tuổi tôi đã theo mẹ buôn bán và làm nghề vàng bạc. Mỗi ngày tôi kiếm được khá nhiều tiền và thế là sa ăn chơi chích hút cờ bạc lang thang. Tôi đi theo bọn đầu trâu, làm ăn bất chính trên tàu trên xe và lao vào đủ thứ thói đua đòi ăn chơi như để chứng tỏ đẳng cấp của mình.
Sau một năm nếm trải cảnh tù đày với những niềm đau nỗi nhục, tinh thần và thể xác, ngày 15/8/1990, lễ Mẹ Hồn Xác Về Trời, tôi được ra khỏi tù khi tròn 20 tuổi. Thế nhưng tôi chẳng những không biết sám hối chừa cải, trái lại còn ăn chơi hơn, thường xuyên bị công an bắt giữ! Cha mẹ và gia đình hết sức thất vọng và khổ đau vì tôi.
Năm 1993, sau một đợt cai nghiện bất thành ở Hà Nội, nhằm lễ Sinh nhật Đức Maria, ngày 8/9, nể lòng vì cha mẹ đã chịu quá nhiều khổ đau vì tôi, tôi nghe lời cha mẹ, vào ở với một linh mục bà con, cha Phêrô Nguyễn Văn Đức, tại giáo xứ Văn Hạnh, Hà Tĩnh. Mặc dù ở đây tôi cũng chưa từ bỏ hẳn ma tuý, vẫn còn lén lút sử dụng, nhưng chính mảnh đất giáo xứ ân nghĩa này đã giúp tôi thay đổi, nhận ra ánh sáng niềm tin, lý tưởng đời tu. Cuối cùng, từ đây, tôi bắt đầu cuộc phiêu lưu đi vào Đan viện Biển Đức Thiên An Huế, đúng ngày lễ Tình yêu 14/2/1994.
Đan viện Thiên An vốn là dòng tu chiêm niệm khắc khổ. Bạn bè cũng như người lớn, không ai dám tin tôi có thể trụ lại ở đây lâu được. Quả thật, đối với tôi, khung cảnh mỹ miều của Thiên An, nhất là đời sống đan tu của Thiên An, quá xa lạ, quá bất ngờ, mà bất cứ điều gì cũng làm cho tôi, một kẻ hoang đàng, phải ngỡ ngàng, phải cảm xúc, để rồi trở thành nguồn cảm hứng cho những vần thơ nốt nhạc trong một tâm hồn vốn nhạy cảm của tôi.
Thế rồi sau bao khó khăn, thử thách, bởi ngoại cảnh, bởi đời sống khắc khổ, bởi yếu đuối bệnh tật xác hồn, với nỗ lực và hi sinh của bản thân, nhất là với ơn Thiên Chúa, ngày 28/5/1995, lễ Chúa Thăng Thiên, tôi được hồng ân lãnh nhận tu phục. Đó là dấu ấn thiêng liêng không thể phai nhoà!
Ngày 1/1/2008, lễ Mẹ Thiên Chúa, tôi được hồng phúc đón nhận thiên chức linh mục trong sự vui mừng vỡ oà và ngập tràn cảm xúc ngỡ ngàng của bao người chứng kiến, nhất là với những ai biết về một thời quá khứ của tôi. Suốt thánh lễ truyền chức hôm đó, quì trên cung thánh của nhà thờ chính toà Phủ Cam Huế, nước mắt tôi cứ tuôn trào, đến nức nghẹn!
Các bạn trẻ người giáo phận Vinh đi tu rất đông, đến nỗi người ta thường nói đùa: "trời đất đầy Vinh", nhưng đúng người thành phố Vinh thì đây lại là ơn gọi linh mục "tiên khởi!" Chính vì thế trong ngày lễ tạ ơn ở quê hương, cả thành phố Vinh người ta kháo nhau: "Đi xem thằng An làm cha!" Quả đây là một sự kiện chưa từng có ở mảnh đất thành Vinh phố đỏ khô khan này! Hơn nữa, vị tân linh mục về quê hương vinh qui bái tổ hôm nay lại từng lại một tù nhân! Dường như người ta không thể tin được đó là sự thật nếu không chứng kiến và nếu không có niềm tin vào quyền năng và lòng thương xót nhân từ của Thiên Chúa đối với một tội nhân!
Tình yêu đáp trả tình yêu! Tôi luôn bị thúc đẩy phải làm một điều gì đó cụ thể để trả món nợ ân tình sâu nặng mà Thiên Chúa đã thương dành cho tôi.
Nhìn xung quanh trong xã hội, trong Giáo hội biết bao bạn trẻ đang đêm ngày vùi chôn cuộc đời trong nấm mồ ma túy, tự tàn phá thân xác và nhân phẩm, đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, lìa xa Giáo hội, thờ ơ với các bí tích. Bên cạnh đó những người cha người mẹ khổ đau tuyệt vọng, tán gia bại sản, bởi sự tàn phá của bóng ma thời đại. Sau bao trăn trở suy tư, tôi quyết định trình xin các bề trên việc xây dựng Nhà Tĩnh Tâm Hướng Thiện tại thánh địa La Vang. Theo truyền thống dòng Biển Đức luôn có nhà tĩnh tâm để đón và giúp khách đến tĩnh tâm gặp Chúa và hoán cải đời sống trong một môi trường lành mạnh thánh thiêng. Chỉ khác, nhà Tĩnh Tâm Hướng Thiện mà chúng tôi muốn xây dựng hướng đến một đối tượng đặc biệt là cho những ai đang sống trong nghiện ngập, xa lìa Thiên Chúa, đánh mất niềm tin, có được một môi trường thánh thiêng lành mạnh, có người hướng dẫn tâm linh, giúp tĩnh tâm cầu nguyện, trở về với Chúa, hoán cải và thay đổi đời sống.
Ngày 15/9/2011, lễ Mẹ Sầu Bi, trong âm thầm giản dị, dưới bóng chở che của Mẹ La Vang, Đức viện phụ đã chủ sự thánh lễ Đặt viên đá đầu tiên, cùng với sự chứng kiến của Cha Quản nhiệm La Vang, vài đan sĩ và ít ân nhân. Quả như một phép lạ! Với một đan sĩ như tôi, tiền không, quyền không, kinh nghiệm không, giáo dân cũng không, hai bàn tay trắng, cùng bao khó khăn, bởi chính quyền, bởi sự hiểu lầm nghi ngại của bao người, thế rồi ngôi nhà vẫn âm thầm mọc lên như một dấu chứng lạ lùng của quyền năng Thiên Chúa và lòng trắc ẩn của Mẹ La Vang đối với các tội nhân!
Ngày 15/8/2012, lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời, lại cũng là lễ Mẹ, ngôi nhà khánh thành được Đức viện phụ làm phép và đi vào hoạt động. Thời khoá biểu của Nhà Tĩnh Tâm Hướng Thiện được tổ chức và sống như một đan viện Biển Đức thu nhỏ, với những nét đặc thù: cầu nguyện, lao động, biệt thế, đời sống cộng đoàn, phục vụ huynh đệ, hát kinh phụng vụ...
Từ đó đến nay mỗi năm Nhà Tĩnh Tâm Hướng Thiện La Vang, như suối nguồn của Mẹ, đón tiếp hàng trăm linh hồn tội lỗi và giúp hoán cải trở về với Chúa, với Giáo hội và gia đình, thắp sáng niềm tin và đem lại an ủi cho nhiều bậc cha mẹ từng khổ sầu tuyệt vọng, bất lực vì con cái!
Trong niềm tín thác trông cậy, tôi ước mong đừng ai bao giờ thất vọng và mất niềm tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, dù bản thân mình có yếu đuối tội lỗi đến đâu, dù người anh em mình có bất toàn bất xứng đến đâu!
Tôi xin mượn lời thánh Phaolô để dâng kết tâm tình tri ân: "Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa" (1Cr 15,10). “Bởi vậy, tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ở mãi trong tôi (2Cr 12,9).
TRẦN AN